Tin tứcTin tức & Sự kiện

(Tiếng Việt) Những thách thức của chuổi cung ứng thời hậu Covid

Đầu những năm 2020, cả thế giới đã phải đón nhận một cơn đại dịch toàn cầu COVID-19 gây ra vô vàn tác động lên nền kinh tế cả thế giới. Các chuyên gia kinh tế ví von Covid-19 là hiện tượng Thiên Nga đen (Black Swan) –hiện tượng kinh tế cực kì hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, mang lại những hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế.

Theo báo cáo mới nhất từ Dun&Bradstreet, có tới hơn 5 triệu doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro từ việc gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam, và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đã thực hiện tốt việc ngăn chặn đại dịch và mở cửa lại nền kinh tế. Hiện nay, đất nước đã dần chuyển giao từ giai đoạn ứng phó khủng hoảng sang giai đoạn phục hồi. Câu hỏi quan trọng dành cho doanh nghiệp Việt Nam lúc này là làm thế nào để họ có thể chuẩn bị tốt hơn cho chuỗi cung ứng trước những khủng hoảng trong tương lai?

Theo đó, chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ còn là câu chuyện xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí mà còn dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng đó. Vậy doanh nghiệp cần điều chỉnh lại chuỗi cung ứng như thế nào để có thể đối phó tốt hơn cho những khủng hoảng tương tự.

  1. Tăng cường các hoạt động quản trị nguồn nhân lực:

Vấn đề về tâm lý có lẽ sẽ tác động đáng kể hiệu suất làm việc của đội ngũ lao động trong thời điểm này. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có những kế hoạch để đảm bảo nhân công có thể làm việc với nhịp độ thông thường, đồng thời kiểm soát các yếu tố bên lề về phòng chống dịch bệnh, thiếu hụt người lao động và chất lượng sản phẩm đầu ra sao cho thật hiệu quả.

  1. Xác định rủi ro của các nhà cung ứng quan trọng:

Doanh nghiệp cần phải xác định đâu là những nhà cung ứng quan trọng nhất của mình, từ đó làm việc sát sao để kiểm soát tình trạng đáp ứng đơn hàng của họ. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể xây dựng các biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa rủi ro thiếu hụt nguồn cung và bị động hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đối tác.

  1. Tìm kiếm, mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng:

Dù đã trực tiếp bị ảnh hưởng từ các nhà cung ứng quan trọng hay chưa, thì doanh nghiệp cũng nên tự chuẩn bị cho mình danh sách những nhà cung ứng thay thế để đảm bảo khả năng ứng phó kịp thời trước những tình huống xấu. Do đặc thù vì chuyên môn và vị trí địa lý, lựa chọn tối ưu của các doanh nghiệp có lẽ vẫn là các đơn vị đến từ Trung Quốc, trong khu vực ít bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu không thể kết nối được với họ, doanh nghiệp cũng có thế cân nhắc lựa chọn các quốc gia có nguồn cung tương đối đa dạng như Ấn Độ, Brazil hay các nước láng giềng thuộc khu vực Đông Nam Á.

  1. Cập nhật các tham số và chính sách tồn kho trong thời điểm dịch:

Khi nguồn cung ứng bị đứt gãy, chỗ dựa kịp thời và hữu ích nhất với một doanh nghiệp lại chính là nguồn tài nguyên tự thân: hàng tồn kho. Chúng có thể là chiếc khiên chống đỡ cho doanh nghiệp trong ngắn hạn, giúp họ duy trì các hoạt động vận hành, kinh doanh tạm thời trước khi tìm ra giải pháp hiệu quả hơn. Bởi vậy, việc theo dõi và tinh chỉnh, phân bổ lại nguồn lực tồn kho cần phải được chú ý hơn trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19.

  1. Nâng cao kiểm soát nguyên vật liệu sản xuất nội bộ:

Doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho sự giảm sút đáng kể trong hiệu năng giao hàng đầy đủ, đúng hạn từ các nhà cung ứng chính của công ty. Qua đó, họ cần thực hiện những hành động như kiểm soát trạng thái hàng tồn kho, lịch trình sản xuất và trạng thái vận chuyển của nhà cung cấp sẽ giúp công ty bạn dự đoán được sự thiếu hụt nguồn cung và có những phản ứng kịp thời.

  1. Xây dựng những kế hoạch sản xuất tinh gọn:

Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng điều chỉnh lịch trình sản xuất hợp lý dựa trên sự thay đổi về cung-cầu, nguồn lực nhân sự hiện có. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được không ít chi phí vận hành, đồng thời giảm tải được gánh nặng tâm lý làm việc với đội ngũ nhân viên trong thời điểm dich. Ngoài ra, các đơn vị thiếu hụt nguồn cung cũng cần phải đảm bảo việc sử dụng nguồn nguyên liệu tích trữ, tồn kho hợp lý. Trong thời điểm khó khăn, các bộ phận, nguyên vật liệu có thể ứng dụng trên nhiều loại thành phẩm nên được ưu tiên sản xuất hơn cả, nhằm tránh tình trạng dư thừa hay thiếu hụt trong dây chuyền sản phẩm.

  1. Lựa chọn các dịch vụ kho bãi, phân phối sản phẩm và dịch vụ hợp lý:

Với sự ùn ứ kho bãi lưu trữ và giảm sút trong phương thức và nhân công vận chuyển, doanh nghiệp sẽ phải tiêu tốn nhiều thời gian hơn để giải quyết các hoạt động logistics khi việc kinh doanh trở lại quỹ đạo thông thường. Trong tình huống này, việc lựa chọn được một giải pháp kho bãi và vận chuyển phù hợp sẽ giúp các công ty nâng cao được khả năng cung ứng và bảo vệ nguồn lực kinh tế, nhân công hiệu quả hơn.

Như chúng ta có thể nhìn nhận, sự ảnh hưởng của COVID-19 sẽ buộc doanh nghiệp phải thích nghi và đổi mới chính mình trong cuộc chơi chuỗi cung ứng, nếu không muốn bất ngờ rơi vào trạng thái bị động như hiện nay.

Ngoài các điểm nêu trên, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý chuỗi cung ứng cũng là một lựa chọn tối ưu để có thể cải thiện khả năng vận hành cũng như giảm thiểu rủi ro trước những tình huống bất khả kháng như đại dịch COVID-19 một cách đáng kể.

Thay đổi để tồn tại hay bảo thủ và lùi lại phía sau? Đây là bài toán mà mỗi doanh nghiệp phải tự trả lời và tìm giải pháp cho chính mình.                                                                     

                                                                                   Mạch Vi

 

Nguồn tham khảo: https://resources.base.vn/productivity/anh-huong-tu-dai-dich-covid-19-doanh-nghiep-cua-ban-can-phai-lam-gi-truoc-rui-ro-dut-gay-chuoi-cung-ung-624