Việt Nam chưa hình thành hệ thống logistics (vận tải biển, kho vận) chuyên nghiệp, hiện đại. Nhận thức về logistics trong xã hội chưa cao và doanh nghiệp (DN) sản xuất chưa tham gia nhiều vào các chuỗi cung ứng..
Thực trạng trên được mổ xẻ tại hội thảo “Logistics và chuỗi cung ứng: Làm thế nào để DN Việt Nam có thể nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 18-5 ở TP HCM.
Theo thông tin tại hội thảo, thị trường logistics Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP, thấp hơn nhiều so với nhu cầu phát triển kinh tế. Ngành logistics Việt Nam mới ở giai đoạn cung cấp các dịch vụ với nền sản xuất cổ điển. Trong khi đó, nhiều công ty nước ngoài đã vận hành những hệ thống logistics rất hiện đại ở Việt Nam.
TS Bùi Quốc Nghĩa, Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam, cho biết từ 2014, Việt Nam mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài giúp thị trường logistics Việt Nam phát triển song cũng tạo ra thách thức lớn cho các DN trong nước.
Hiện có khoảng 2.000 DN tại Việt Nam đăng ký kinh doanh logistics với khoảng 300.000 khách hàng. Trong đó, DN trong nước phần lớn là nhỏ và vừa, chỉ đủ lực tham gia một phần trong chuỗi logistics và cạnh tranh nhau khốc liệt theo hướng giảm giá. Trong khi đó, chỉ hơn 80 DN nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam nhưng chiếm 70%-80% thị phần và tự đưa ra các loại phí khác nhau.
Theo ông Nghĩa, do Luật Thương mại chỉ quy định chung chung về dịch vụ logistics trong khi các văn bản khác không quy định đầy đủ, thậm chí không nhất quán với nhau nên ngoài cước vận tải, các chủ tàu nước ngoài còn lạm thu thêm hàng loạt phí như dịch vụ container, tắc nghẽn cảng, vệ sinh, sửa chữa vỏ container, làm lạnh, thủ tục, hóa đơn, kho bãi, cầu đường…, đẩy chi phí vận chuyển lên cao. Trong khi đó, lợi nhuận thu được của các hãng tàu này lại “chảy” ra nước ngoài.
Trích http://www.24h.com.vn